Vì sao hàng giả mạo nhãn hiệu vẫn tràn lan trên thị trường?

hàng giả

Mặc dù lực lượng chức năng Hà Tĩnh đã thường xuyên kiểm tra, kiểm soát và xử phạt vi phạm nhưng hàng hóa giả mạo nhãn hiệu vẫn xuất hiện tràn lan trên thị trường.

Ngày 14/3/2023, Đội QLTT số 3 (Cục QLTT) kiểm tra việc chấp hành pháp luật trong sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ đối với cửa hàng giày dép tại thị trấn Hương Khê do bà Cao Thị Hiền làm chủ.

Qua kiểm tra phát hiện tại cửa hàng đang bày bán 46 đôi giày, dép mang nhãn hiệu Nike có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu Nike của Công ty TNHH Nike Việt Nam. Đơn vị đã tiến hành tạm giữ toàn bộ số hàng hóa trên và phối hợp với Công ty TNHH Nike Việt Nam để xác nhận hàng thật – hàng giả.

Ngày 15/3/2023, Đội QLTT số 3 nhận được văn bản trả lời của Công ty TNHH Nike Việt Nam về việc xác nhận số hàng hóa 46 đôi giày, dép thể thao nói trên là hàng hóa giả mạo nhãn hiệu Nike. Đội đã lập hồ sơ trình Cục QLTT ban hành quyết định xử phạt 10 triệu đồng đối với bà Hiền về hành vi vi phạm hành chính buôn bán hàng hóa giả mạo nhãn hiệu và buộc tiêu hủy toàn bộ số hàng hóa có trị giá hơn 9,2 triệu đồng.

Ngày 21/4/2023, Đội QLTT số 6 phối hợp với Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Công an tỉnh) tiến hành kiểm tra việc chấp hành pháp luật trong hoạt động thương mại điện tử của hộ kinh doanh Trần Thị Hồng Nhung (đường Nguyễn Huy Tự, TP Hà Tĩnh). Qua kiểm tra, phát hiện 240 chiếc áo phông giả mạo nhãn hiệu Yody. Đơn vị đã củng cố hồ sơ, trình Cục QLTT ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính với số tiền 27,5 triệu đồng và buộc tiêu hủy toàn bộ tang vật vi phạm.

Đọc thêm  Hàng mỹ phẩm giả: giải pháp chống giả cho mặt hàng đặc biệt này

Đây là 2 trong số các vụ việc Cục QLTT Hà Tĩnh xử lý về vi phạm hàng hóa giả mạo nhãn hiệu trong thời gian gần đây. Theo Phó Cục trưởng Cục QLTT Nguyễn Đình Khoa, từ đầu tháng 3/2023 tới nay, đơn vị đã phát hiện, xử lý 11 vụ vi phạm giả mạo nhãn hiệu, thương hiệu gồm 832 cái áo phông giả mạo nhãn hiệu Yody, Adidas; 46 đôi giày nhãn hiệu Nike; 53 kính mắt giả nhãn hiệu Gucci, Chanel. Đơn vị đã xử phạt vi phạm hành chính hơn 132 triệu đồng.
Việc kinh doanh hàng hóa giả mạo nhãn hiệu là vi phạm về sở hữu trí tuệ, gây nhiễu loạn thị trường, ảnh hưởng đến doanh thu, uy tín, hoạt động của các doanh nghiệp chân chính. Mặc dù các lực lượng chức năng đã thường xuyên kiểm soát, xử lý vi phạm nhưng hiện nay, tình trạng kinh doanh hàng hóa giả mạo nhãn hiệu vẫn ngang nhiên xuất hiện trên thị trường.

Ghi nhận tại các chợ, cửa hàng thời trang hiện nay, các sản phẩm quần áo, giày dép, túi xách, mũ, kính… “nhái” các thương hiệu nổi tiếng như Chanel, Gucci, Prada, Louis Vuiton, Nike, Adidas…được bán tràn lan với mức giá chỉ vài trăm nghìn đồng.

“Tùy theo mức độ sắc nét, tinh xảo, sản phẩm sẽ có độ “fake” khác nhau. Sản phẩm càng giống với hàng chính hãng thì giá càng cao, có thể nằm mức giá trên dưới 1 triệu đồng/sản phẩm, còn lại chủ yếu ở mức giá 200 – 500.000 đồng. Hàng chính hãng các sản phẩm này có giá tiền triệu, thậm chí là hàng chục, hàng trăm triệu đồng nên với mức giá chúng tôi bán, khách hàng khi mua chắc hẳn cũng biết đó không phải là hàng thật” – chị N. một chủ cửa hàng bán túi xách trên đường Xuân Diệu cho hay.

Đọc thêm  Bình Thuận: hàng hóa không rõ nguồn gốc tràn lan, Doanh nghiệp cấp thiết cần giải pháp bảo vệ sản phẩm chính hãng?

Có thể thấy, ngoài lý do “siêu lợi nhuận” từ phía người kinh doanh thì chính tâm lý tiêu dùng của một bộ phận người dân cũng đã góp phần “tiếp tay” cho việc kinh doanh hàng giả mạo nhãn hiệu. Bởi, không ít người tiêu dùng dù biết hàng giả nhưng vẫn mua bởi tâm lý “sính” hàng hiệu giá rẻ. Hoặc, họ không quan tâm chất lượng, cũng như hệ lụy của việc sử dụng hàng “nhái” mà chỉ quan tâm đến kiểu dáng và giá cả phù hợp.

Theo ông Nguyễn Đình Khoa – Phó Cục trưởng Cục QLTT Hà Tĩnh, đơn vị thường xuyên kiểm soát thị trường và xử phạt các trường hợp vi phạm, góp phần vào công tác chống hàng lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng, gian lận thương mại. Tuy nhiên, trong công tác chống hàng giả mạo nhãn hiệu vẫn gặp nhiều khó khăn. Để kết luận hàng giả mạo nhãn hiệu, vi phạm sở hữu trí tuệ, bắt buộc phải qua quá trình giám định và cần sự phối hợp từ các doanh nghiệp sở hữu nhãn hiệu, trong khi đó, chi phí giám định khá cao.

“Bên cạnh công tác kiểm tra, kiểm soát của lực lượng chức năng, để ngăn chặn hàng hóa giả mạo nhãn hiệu lưu thông trên thị trường, rất cần sự chung tay từ phía người tiêu dùng. Đó là không tiêu thụ, “tiếp tay” cho việc kinh doanh hàng giả nhãn hiệu. Các doanh nghiệp, chủ sở hữu các nhãn hiệu cũng cần chủ động phối hợp với lực lượng chức năng để phát hiện và xử lý các trường hợp vi phạm” – ông Nguyễn Đình Khoa cho hay.

Theo quy định tại Nghị định 98/2020/NĐ-CP, căn cứ vào mục đích của hành vi giả mạo nhãn hiệu hàng hóa, cá nhân có thể bị xử phạt hành chính về hành vi buôn bán hoặc sản xuất hàng giả mạo nhãn hàng hóa, bao bì hàng hóa.

Đọc thêm  Giải pháp hữu hiệu để ngăn chặn làm giả có phải là tem chống giả?

– Về hành vi giả mạo nhãn hiệu hàng hóa để buôn bán kiếm lời: bị phạt tiền ở mức thấp nhất là 1.000.000 đồng và mức cao nhất là 50.000.000 đồng tùy thuộc vào giá trị tương đương của hàng giả so với hàng thật hoặc số tiền thu lợi bất chính từ hành vi giả mạo nhãn hiệu (Điều 11 Nghị định);

– Về hành vi sản xuất hàng hóa giả mạo nhãn hiệu: bị phạt tiền ở mức thấp nhất là 1.000.000 đồng và mức cao nhất là 50.000.000 đồng tùy thuộc vào giá trị tương đương của hàng giả so với hàng thật hoặc số tiền thu lợi bất chính từ hành vi giả mạo nhãn hiệu (Điều 12 Nghị định).

Hành vi giả mạo nhãn hiệu hàng hóa có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về một trong hai tội sau: Tội sản xuất, buôn bán hàng giả (Điều 192 Bộ luật Hình sự) hoặc Tội xâm phạm quyền Sở hữu công nghiệp (Điều 226 Bộ luật Hình sự).